Một nghiên cứu mới đây của Trường ĐH Kỹ thuật Berlin (Đức) được đăng trên tạp chí Frontiers in Robotics and AI (Thụy Sĩ) đã chỉ ra bằng chứng về tình trạng "lười biếng xã hội". Đó là tình trạng các thành viên trong nhóm làm việc ít chăm chỉ hơn nếu họ nghĩ rằng thành viên khác sẽ làm thay họ.
Bà Dietlind Helene Cymek, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho rằng làm việc nhóm có thể thúc đẩy mọi người thực hiện tốt công việc nhưng cũng có thể dẫn đến mất động lực vì sự đóng góp của cá nhân không được thể hiện rõ ràng.
Nhóm nghiên cứu đã yêu cầu một nhóm công nhân kiểm tra bảng mạch để tìm lỗi. Một nửa số người tham gia được thông báo rằng bảng mạch của họ đã được robot Panda kiểm tra. Kết quả, những người trong nhóm này dường như tìm kiếm được ít khiếm khuyết trên bảng mạch hơn so với người không làm việc cùng robot.
Điều này có thể phản ánh hiệu ứng "nhìn nhưng không thấy" khi trong tiềm thức của những công nhân luôn cho rằng robot sẽ không bỏ sót bất kỳ lỗi nào và họ không cần quá chú tâm vào công việc.
Ảnh: Tech Juice
Các nhà nghiên cứu cho rằng khi con người có sự hỗ trợ của công nghệ với sự chính xác cao, họ có xu hướng tiếp cận công việc theo cách thoải mái và thiếu tập trung hơn. TS Linda Onnasch, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định: "Trong những ca làm việc dài với các công việc mang tính thường xuyên và môi trường làm việc có ít sự giám sát, phản hồi hiệu suất, việc mất động lực có xu hướng lớn hơn nhiều". Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất mà yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu.
Nghiên cứu nêu trên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét tác động của robot đến hành vi và động lực của con người.
Dien Dan Rao Vat
0 nhận xét:
Post a Comment