Kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng ~ DIỄN ĐÀN RAO VẶT

Friday, December 29, 2023

Kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng

Ngày 29-12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng- Ảnh 1.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Hải Minh

Điểm sáng của kinh tế số khu vực Đông Nam Á

Tại hội nghị, Bộ TT-TT cho biết theo báo cáo mới nhất của Google, Temasek và Bain & Co, Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế số khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2023 tiếp tục tăng 19%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, cao hơn gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng tưởng cao nhất trong khu vực. Ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2023-2025.

Báo cáo cho thấy tổng khối lượng hàng hóa kinh tế số Việt Nam năm 2023 ước đạt 30 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2022. Trong đó, thương mại điện tử khoảng 16 tỉ USD, vận tải và thực phẩm 3 tỉ USD, du lịch trực tuyến 5 tỉ USD và giải trí trực tuyến 5 tỉ USD.

Năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 3,7 triệu tỉ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 99.000 tỉ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022. Đóng góp vào GDP của ngành TT-TT ước đạt hơn 887.000 tỉ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Tổng số lao động toàn ngành năm 2023 ước hơn 1,76 triệu lao động, tăng 2,72% so với năm 2022.

Điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 quốc gia là 0,7111 (tăng trưởng 16,4% so với năm 2021 (0,6110) tăng 46,4% so với năm 2020 (0,4858).

Quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số

Theo Bộ TT-TT, số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022. Việt Nam nằm trong Top 6 các quốc gia có nền tảng số bản địa có số lượng người dùng hàng tháng (MAU) trên thị trường trong nước lớn nhất (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản).

Một kết quả nổi bật khác là năm 2023, Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số, tăng 19% từ năm 2022 đến năm 2023 và sẽ tiếp tục phát triển ở mức 13% trong giai đoạn 2023 - 2025.

Bộ TT-TT nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của lĩnh vực kinh tế số.

Cụ thể, tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng ước đạt 40 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20-25%. Tỉ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP đạt từ 19%-20%. Tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 7,5%.

Định hướng đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20% - 25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng GDP.

Kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội

Chuyển đổi số phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã đi qua 4 năm và đã đủ điều kiện để Chuyển đổi quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Kinh tế số của Việt Nam đã chiếm 16,5% GDP và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần. Đặc biệt, kinh tế số giúp tăng năng suất lao động.

Về phương hướng phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ năm 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của Chuyển đổi, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

Bên cạnh đó, hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó, năm 2024 là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất, để kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu chính phủ số ở Việt Nam.

Theo người đứng đầu Bộ TT-TT, với trí tuệ nhân tạo (AI) thì càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu thì càng ngây ngô. Con người thì ngược lại, càng nhiều dữ liệu thì càng ngây ngô (còn gọi là "tẩu hỏa nhập ma"), càng ít dữ liệu thì càng thông minh. Vậy nên, cứ việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ văn bản, nhiều quy định thì hãy để máy tính làm.

"120.000 văn bản thể chế trong hệ thống của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân và số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm. Lời giải duy nhất ở đây là hãy để AI. Năm 2024 này, các bộ ngành và địa phương chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ cán bộ công chức nhà nước hiện nay đang rất vất vả. Lương thì không cao, quy định thì quá nhiều, không thể nhớ hết, hiểu hết, vì vậy mà rủi ro cũng cao. Thực tế, nhiều cán bộ công chức bây giờ sợ trách nhiệm, không dám làm cũng một phần là do không thể hiểu hết, biết hết các quy định, đó là chưa nói đến việc các văn bản này còn có sự mâu thuẫn, hoặc có cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau.

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở về hiệu quả từ nền tảng làm việc số, trợ lý ảo.

"Ít nhất 70 - 90% công việc do trợ lý ảo làm hộ thì năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn vì được tập trung vào việc mang tính sáng tạo" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Hiện, Bộ TT-TT đang chỉ đạo phát triển 4 trợ lý ảo chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán (đã đưa vào sử dụng hơn 1 năm, giảm thời gian xử án 30% và nâng cao chất lượng).

Kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành TT-TT

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh chuyển đổi số là giải pháp "cứu cánh" trong cải cách hành chính. Để đạt được mục tiêu phát triển vào năm 2030 và 2045, phải đi tắt, đón đầu, và chỉ có đi tắt, đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số.

Về xây dựng thể chế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT-TT phải đáp ứng yêu cầu kịp thời, chất lượng văn bản phải chuẩn mực để hạn chế tối đa sửa đổi, bổ sung sau khi đã ban hành.

Phó Thủ tướng khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành TT-TT bởi chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, thách thức.

Cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù với cơ quan báo chí

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan trong công tác quản lý báo chí, có giải pháp chấm dứt chuyện "đánh đấm" trên báo chí. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ TT-TT phải ứng xử nhanh, can thiệp để loại bỏ sớm những thông tin xấu độc bởi nếu lan rộng thì tác hại là khôn lường.

Cùng với việc quản lý tốt báo chí, trước sức ép của mạng xã hội, Bộ TT-TT cần có giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của báo chí để anh em có thể sống và trụ lại với nghề; tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; quan tâm nhiều hơn đến thị trường sách và nhà xuất bản.

Đặc biệt, chia sẻ khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông trong năm 2024 sẽ coi không gian mạng là mặt trận chính, với nhận thức thắng bại là ở đây.

"Vừa là chuyển đổi số báo chí, vừa là đảm bảo không gian mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.


Dien Dan Rao Vat

0 nhận xét:

Post a Comment