Tuy nhiên, việc KOL (người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong một lĩnh vực hay các ngành nghề) đăng tải thông tin không chính xác, quảng cáo sai sự thật cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến chính những KOL hoạt động nghiêm túc.
Quá dễ để làm KOL
Có 2 nhóm KOL, gồm: celebrity là những ca sĩ, diễn viên hạng A, nghệ sĩ trong showbiz... và influencer là bất cứ người nào tạo được sức ảnh hưởng, thường là những người trẻ.
Trong nhóm celebrity, Đen Vâu được xem là KOL nổi tiếng ở lĩnh vực âm nhạc khi sở hữu 4,9 triệu người theo dõi trên kênh YouTube và 5,3 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Facebook. Ở lĩnh vực thời trang, KOL Giang Ơi sở hữu kênh YouTube 1,64 triệu người theo dõi...
Còn nhóm influencer được chia thành 5 cấp độ. Trong đó, cấp thấp nhất là Nano (sở hữu 3.000 - 10.000 người theo dõi), thứ hai là Micro (10.000 - 50.000 người theo dõi), thứ ba là Power Middle (50.000 - 100.000 người theo dõi), thứ 4 là Macro Influencer (100.000 - 500.000 người theo dõi) và cuối cùng là Mega Influencer (trên 500.000 người theo dõi).
Số lượng influencer thời điểm hiện nay tăng rất mạnh so với cuối năm 2022 do việc trở thành influencer khá dễ dàng. Theo báo cáo của Younet Media, 10 tháng đầu năm 2023, số influencer có ít nhất 20.000 người theo dõi tăng trưởng mỗi tháng từ 3 con số trở lên.
Cụ thể, cuối tháng 12-2022, số influencer trên nền tảng TikTok là 40.600 nhưng đến 10 tháng đầu năm 2023 đã tăng lên 110.500 tài khoản; trung bình mỗi tháng có 6.990 tài khoản được tạo lập. Còn trên nền tảng Facebook, tính đến tháng 10-2023 có 51.500 tài khoản influencer - tăng trung bình 1.050 tài khoản/tháng.
Chị Nguyễn Thùy Linh (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết theo kinh nghiệm mua hàng online qua kênh livestream của nhiều KOL, chị thấy một số sản phẩm được quảng cáo đúng, giá bán rẻ hơn mua tại cửa hàng. Song, cũng có không ít sản phẩm mà chất lượng thật kém xa quảng cáo.
"Việc sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến nên nếu KOL đăng tải thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng thì sẽ rất đáng quan ngại, gây hệ lụy không nhỏ" - chị Linh nhận xét.
Anh Thanh Phương (nhân viên văn phòng tại quận 3, TP HCM) thừa nhận những review của KOL có tác động khá nhiều trong quyết định mua hàng của anh cũng như nhiều người khác. Vì vậy, theo anh, cần quản lý hoạt động của KOL để hạn chế tác động tiêu cực. Trong đó, có thể coi KOL là một nghề và có quy định cụ thể về nghề này.
Tăng cường trách nhiệm của KOL
Anh Lê Văn Phong (quản lý kênh YouTube Phong Bụi có 1,31 triệu người đăng ký) cho rằng KOL cần có công ty quản lý để kiểm soát nội dung, cảnh báo chủ kênh về những vi phạm đã hoặc có thể mắc nhằm tránh phiền phức, tránh gây hệ quả không mong muốn. Công ty quản lý sẽ giúp KOL nắm bắt chính sách trên nền tảng mạng xã hội, qua đó điều chỉnh và kiểm chứng lại nội dung.
Ngoài ra, cũng theo anh Phong, KOL hoạt động độc lập thường không nộp thuế thu nhập cá nhân. Do đó, cần có quy định KOL là một nghề, yêu cầu họ có công ty quản lý để dễ dàng kiểm soát về thuế.
Về phía giới chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần phải có một đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải, kiểm soát các sản phẩm mà KOL quảng cáo, đồng thời coi đây là một nghề.
Ông Huỳnh Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Mắt Bão, cho rằng nên xác định KOL là một nghề để người sáng tạo nội dung tập trung vào chuyên môn và có trách nhiệm trong công việc họ đang thực hiện. "Cá nhân sáng tạo nội dung dễ tạo ra nhiều thông tin không chính xác, cơ quan quản lý nhà nước sẽ khó kiểm soát. Do vậy, KOL cần kết hợp chia sẻ nội dung với các đơn vị để khi làm sai sẽ được nhắc nhở, tránh gây hậu quả không đáng có và cơ quan nhà nước cũng dễ quản lý" - ông Duy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ, cũng cho rằng nên sớm xây dựng hành lang pháp lý để quản lý hoạt động của KOL và coi KOL là một ngành nghề, bởi người dùng mạng xã hội rất tin tưởng đội ngũ này.
"Tại sao không xác định KOL là một nghề? Khi đó sẽ có chế tài xử lý những trường hợp đưa thông tin không chính xác và việc bán hàng sai so với quảng cáo" - ông Bình nêu quan điểm.
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp sử dụng người có sức ảnh hưởng như nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng... để quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, sai sự thật, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, bổ sung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Đây là một chủ thể tách biệt với các chủ thể khác và phải có những quyền, nghĩa vụ pháp lý nhất định trong việc tuân thủ Luật Quảng cáo như mọi chủ thể khác.
Tờ trình nêu rõ hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải bảo đảm các yêu cầu: Phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo; phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm...
Dien Dan Rao Vat
0 nhận xét:
Post a Comment