Vì vậy, việc bảo vệ người dùng mạng cần phải có trách nhiệm của nhà mạng và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: "Trước đây, chúng ta làm theo cách cài phần mềm vào thiết bị của người dùng và có thể tính phí, tiếp cận theo hướng đây là trách nhiệm của người dùng. Để từng người dùng cài đặt phần mềm vào máy của họ là việc không dễ. Họ có thể lo ngại đó là phần mềm giám sát. Hiện công việc này phải thực hiện tại thiết bị của nhà mạng, coi đây là trách nhiệm bảo vệ khách hàng của nhà mạng và miễn phí... An toàn số ở mức cơ bản để bảo vệ mọi người dùng viễn thông, internet phải là trách nhiệm của nhà mạng".

Việc nhà mạng phải có trách nhiệm bảo vệ người dùng là hoàn toàn phù hợp với cách thế giới đã và đang làm, luôn được các chuyên gia về an ninh mạng khuyến nghị. Nhà mạng không chỉ có giải pháp bảo vệ an toàn tại hệ thống tổng đài, trung tâm mà còn ở ngay thiết bị cung cấp cho khách hàng.

Điều này thật ra không mới về giải pháp mà có lẽ chỉ mới ở nhận thức của nhà mạng và cơ quan quản lý. Hai ngành điện và nước đã áp dụng nguyên tắc này. Khách hàng chỉ phải chịu trách nhiệm bảo vệ hệ thống trong nhà mình, sau đồng hồ tổng, còn trước đồng hồ tổng là trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, việc bảo vệ an toàn cho người dùng mạng càng cần phải vững chắc hơn. Với đặc thù của không gian mạng, đa số người dùng là người bình thường, không có đủ kiến thức về công nghệ, nên việc bảo vệ an toàn càng cần phải được chính các nhà mạng chủ động. Đó cũng chính là cách để nhà mạng thể hiện trách nhiệm với khách hàng của mình. 

Ngô Lê